Còn gần một tháng trước thời điểm thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT, nhưng các nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị công tác này.
Bên cạnh nhân lực, cơ sở vật chất, những vấn đề cần lưu ý thí sinh cũng được quan tâm, nhấn mạnh nhằm hạn chế thấp nhất sai sót.
Nắm vững quy chế thi
Nhấn mạnh việc thí sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin khai trong Phiếu ĐKDT, cô Phạm Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), cho biết: Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn thí sinh rất cụ thể, đến từng mục khi điền Phiếu ĐKDT. Thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn này, điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận ĐKDT để được hướng dẫn đầy đủ.
Thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thực hiện khai thông tin ĐKDT trực tuyến theo tài khoản được cấp trên Hệ thống phần mềm Quản lý thi. Thí sinh tự do khai thông tin cần thiết trên bì đựng Phiếu ĐKDT, Phiếu số 1 và Phiếu số 2. Lưu ý thông tin phải giống nhau ở tất cả các mục tương ứng trên bì, Phiếu số 1 và Phiếu số 2. Thí sinh sẽ được nơi tiếp nhận ĐKDT trả lại Phiếu số 2 sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ Phiếu số 2 để nhận Giấy báo thi, Giấy chứng nhận kết quả thi.
Trong trường hợp có những sai sót thông tin ĐKDT hoặc bị thất lạc Giấy báo thi thí sinh đem Phiếu ĐKDT này trực tiếp tới Điểm thi đã đăng ký vào buổi tập trung phổ biến quy chế để đề nghị sửa chữa sai sót và làm thủ tục dự thi.
Về vấn đề này, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), lưu ý, học sinh cần nắm vững các nội dung của quy chế thi; lưu ý điểm mới về việc ĐKDT theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trước khi ĐKDT, các em phải chuẩn bị căn cước công dân/chứng minh nhân dân, số điện thoại, email, ảnh thẻ, điểm trung bình các môn của các khối lớp và học kỳ I khối 12. Đặc biệt, đọc kỹ, điền cẩn thận mã tỉnh, mã huyện, mã đơn vị ĐKDT (trường đang học), đối tượng ưu tiên... để tránh sai sót. Các em nên in phiếu và điền thông tin trên tờ phiếu, sau đó kiểm dò trước khi đăng ký chính thức.
Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) thì chia sẻ một số điểm mới cần lưu ý khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023. Theo đó, thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là 20 ngày (từ 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, ngắn hơn 10 ngày so với năm trước). Điểm ưu tiên khu vực giảm khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm/tổ hợp trở lên.
Thời gian hưởng ưu tiên chỉ năm thí sinh thi tốt nghiệp THPT và 1 năm sau đó. Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển ngành, không cần phải đăng ký xét tuyển theo phương thức tuyển sinh. Thí sinh đăng ký các phương thức sớm theo hướng dẫn của các trường. Kết quả xét tuyển dự kiến vào các trường chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và vẫn phải đăng ký trên hệ thống.
Hỗ trợ thí sinh tối đa
Giúp học sinh hạn chế những sai sót trong ĐKDT năm nay, Trường THPT Mỹ Quý đã triển khai đầy đủ, kịp thời quy định về đăng ký thi, tuyển sinh năm 2023 (nhất là những điểm mới, những điểm cần lưu ý) đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Khi có văn bản chỉ đạo, trường hướng dẫn thí sinh từng bước sử dụng tài khoản cá nhân thực hiện ĐKDT tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trên hệ thống.
“Nhà trường phân công cán bộ hướng dẫn và chuẩn bị điều kiện phòng máy tính kết nối Internet để hỗ trợ các em đăng ký thử, đăng ký chính thức. Thông báo thường xuyên các mốc thời gian; hỗ trợ thí sinh ĐKDT theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân chia sẻ.
Với Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), cô Hiệu trưởng Phạm Ngọc Hà cho biết, bộ phận hồ sơ của nhà trường chủ động nhắc, đôn đốc giáo viên chủ nhiệm, học sinh khối 12 chuẩn bị các giấy tờ cần thiết ngay từ trong năm học. Trong tháng 3/2023, bộ phận hồ sơ đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm rà soát, kiểm tra lại hồ sơ của học sinh và chuyển bị phòng máy để đăng ký trực tuyến, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho thí sinh khi gặp khó khăn, vướng mắc.
“Nhân sự cho công tác ĐKDT tại THPT Công nghiệp có Ban giám hiệu chỉ đạo, bộ phận chuyên trách phụ trách hồ sơ, giáo viên chủ nhiệm các lớp 12. Đoàn Thanh niên phối hợp tuyên truyền và hỗ trợ. Nhà trường đề xuất với Công an thành phố hỗ trợ khai báo tài khoản định danh bước 2 cho học sinh khối 12 và đã thực hiện được 3/4 tổng số học sinh dự thi, sẽ hoàn thành nốt trong thời gian tới. Công tác hỗ trợ thí sinh được đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhà trường công bố số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ thí sinh bất kể thời gian nào trong suốt quá trình ĐKDT”, cô Phạm Ngọc Hà cho hay.
Tương tự, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) có Ban Công nghệ thông tin, nên việc hỗ trợ ĐKDT tương đối thuận lợi, mọi thắc mắc của học sinh được giải đáp 24/24. Tuy vậy, lãnh đạo, cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường, giáo viên chủ nhiệm khá vất vả trong giai đoạn này, đặc biệt thời gian ĐKDT thử.
Lý do, khi đăng ký thử, học sinh chưa nghiên cứu kỹ quy chế thi và các nội dung thông tin (số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, email, số điện toại, mã tỉnh, huyện, đơn vị ĐKDT) nên cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía nhà trường. Bên cạnh đó, Cổng thông tin đăng ký nhiều thời điểm bị nghẽn mạng, thông tin phản hồi chậm từ hệ thống nên việc đăng ký còn gặp khó khăn. Một số học sinh, cha mẹ học sinh chưa có kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng, thao tác máy tính chưa thuần thục cũng là hạn chế khi đăng ký.
Trước thực tế này, thầy Hoàng Minh thông tin, lãnh đạo nhà trường luôn tổ chức quán triệt Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho toàn bộ học sinh khối 12. Quy chế thi, những điểm mới, thời gian đăng ký thi, thủ tục đăng ký, quy trình đăng ký cũng được thông tin thường xuyên qua hệ thống phát thanh của nhà trường để học sinh hiểu rõ, nắm vững các nội dung khi thực hiện đăng ký chính thức.
Triển khai ĐKDT, nhà trường cử cán bộ chuyên trách tiếp thu phần mềm hệ thống đăng ký của Bộ GD&ĐT, nắm các nội dung của tờ phiếu đăng ký để tổ chức hướng dẫn học sinh đăng ký thi trên phiếu và trên máy. Phân công 1 lãnh đạo trường thường xuyên theo dõi chỉ đạo trên hệ thống phần mềm việc đăng ký của thí sinh.
Cử Ban Công nghệ thông tin phối hợp Tổ văn phòng (cán bộ làm công tác tuyển sinh) giúp đỡ học sinh, cha mẹ học sinh khi đến đăng ký thi tại trường hoặc ở nhà. Phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên kiểm tra chéo hồ sơ đăng ký và hồ sơ thực tế của học sinh giữa các lớp của khối 12 trước khi cập nhật vào hệ thống.