HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC ÔN THI HỌC SINH GIỎI
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một công tác mũi nhọn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là một công việc lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò.
Trong học kỳ I vừa qua, trường THPT Lê Chân nói chung và tổ Văn - Sử - Địa - GDKTPL nói riêng luôn nỗ lực vượt khó, trau dồi chuyên môn, có rất nhiều cố gắng trong công tác giảng dạy. Tổ chuyên môn đã đạt nhiều kết quả khích lệ trong công tác ôn thi học sinh giỏi. Cụ thể:
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố bảng A và chọn đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia, có một học sinh đạt giải Khuyến khích môn Địa lí, do cô giáo Đoàn Thị Thuyên ôn luyện.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Thành phố bảng B tổ chức ngày 08/12/2023, đã có 17 học sinh đạt giải các môn Văn, Sử, Địa, GDCD. Môn Văn có 5 giải ( 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 1 giải Khuyến Khích) do cô giáo Trần Thị Hậu ôn luyện. Với sự nỗ lực của cô giáo Đỗ Thị Lý và các trò, môn Lịch sử có 6 giải ( 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 3 giải Khuyến khích). Môn Địa lí tiếp tục gặt hái thành công với 3 giải ( 1 giải Nhất, 2 giải Khuyến khích) do cô giáo Đoàn Thị Thuyên giảng dạy. Môn GDCD có 3 giải Khuyến khích do cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh lãnh đội.
Nhìn lại quá trình để có kết quả như trên là các giải pháp đồng bộ đã và đang được áp dụng.
Giải pháp của Ban giám hiệu nhà trường
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự nghiệp giáo dục trong toàn xã hội. Tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Nâng cao chất lượng công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Trên cơ sở phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm học, ngay từ đầu năm học ban giám hiệu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng sinh giỏi.
- Phân công chuyên môn một cách hợp lý chọn lựa những đồng chí giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, cố gắng phân công theo hướng ổn định có tính kế thừa và phát huy kinh nghiệm.
- Phát hiện và xây dựng nguồn bắt đầu từ lớp 10, cử giáo viên giỏi, có kinh nghiệm dạy bồi dưỡng.
- Tạo mọi điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức từ đồng nghiệp để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thời đại.
- Có những chế độ động viên, khuyến khích, kịp thời đối với giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi có thành tích cao.
Giải pháp của giáo viên dạy bồi dưỡng
- Muốn có HSG phải có Thầy giỏi vì thế người thầy phải luôn luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, luôn xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” cho học sinh noi theo. Phải thường xuyên tìm tòi các tư liệu, có kiến thức nâng cao trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng internet. Lựa chọn trang Web nào hữu ích nhất, tiện dụng nhất, tác giả nào hay có các chuyên đề hay, khả quan nhất để sưu tầm tài liệu…
- Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khâu đầu tiên là khâu tuyển chọn học sinh khâu này rất quan trọng.
- Bước tiếp theo, sau khi lựa chọn được học sinh, cần lập kế hoạch cho HS và cho mình một cách cụ thể tránh tình trạng thích đâu dạy đó. Dạy theo chuyên đề là biện pháp mà tổ chúng tôi thấy đó là hữu hiệu nhất.
- Nắm vững phương châm: dạy chắc cơ bản rồi mới nâng cao - Thông qua những bài luyện cụ thể để dạy phương pháp tư duy - dạy kiểu dạng bài có quy luật trước, loại bài có tính đơn lẻ, đặc biệt sau.
- Cuối cùng là công tác kiểm tra kiến thức sau mỗi chủ đề để nắm chắc khả năng tiếp thu, vận dụng của các em từ đó các em rút ra được những sai sót mà sửa chữa, GV cũng có kế hoạch bù đắp những lỗ hổng (nếu có).
Giải pháp đối với học sinh
- Học sinh phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của học tập.
- Học sinh phải yêu thích môn học, say mê trong học tập và ham học hỏi (đây là điều quan trọng).
- Học sinh phải cần cù tích luỹ và chăm chỉ rèn luyện, ngoài luyện sách giáo khoa, học sinh cần luyện thêm ở sách tham khảo và tài liệu khác.
Giải pháp của phụ huynh học sinh
- Quan tâm tạo điều kiện, động viên tích cực con em học tập tốt hơn.
- Trang bị đầy đủ dụng cụ học tập.
- Thường xuyên liên lạc với GV, nhà trường để nắm tình hình học tập của con mình.
Thiết nghĩ, bồi dưỡng học sinh giỏi là một quá trình mang tính khoa học, nghiêm túc, có tính chiến lược. Chắc chắn khi áp dụng đồng bộ các giải pháp của các lực lượng giáo dục, kết quả sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy chất lượng giáo dục chung của Nhà trường ngày càng nâng cao.
Tác giả: Đoàn Thị Thuyên
TTCM Tổ Văn - Sử - Địa – GDKT&PL