NGHỀ GIÁO CHÚNG TÔI YÊU
Hằng năm, nhiều nước trên thế giới kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo để tôn vinh nghề dạy học. Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Đến năm 1982, bằng Quyết định số 167, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam. Đến nay đã là 41 năm, mặc dù con số 41 không thể nói hết về “nghĩa sư đồ” của một dân tộc hàng ngàn năm văn hiến, nhưng “Ngày Nhà giáo Việt Nam” 20/11 từ lâu đã trở thành ngày hội toàn dân của một đất nước hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Người Việt ta từ ngàn xưa đã có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đến ngày hôm nay, truyền thống ấy vẫn được nhân dân và bao thế hệ học trò giữ gìn và phát huy. Người thầy đã góp phần hun đúc tâm hồn Việt Nam qua các thời kỳ, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai dân tộc. Thầy cô - những người dành cuộc đời mình tận tụy, chắt chiu từng giọt tinh hoa của nhân loại, làm thành mật ngọt tri thức, nuôi dưỡng chúng ta trở thành những người có ích cho đời. "Tri ân" - chỉ với hai chữ ngắn gọn ấy nhưng lại chứa đựng bao nhiêu tình cảm, lòng biết ơn, sự kính trọng mà biết bao thế hệ học sinh muốn gửi đến những người thầy, người cô đang ngày ngày miệt mài bên những trang giáo án, kế hoạch bài dạy vì những thế hệ học sinh.
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Ta vẫn gọi là nghề cao quí nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà cho đời những đóa hoa thơm
Vâng, nghề giáo chính là nghề chúng tôi yêu, chúng tôi chọn. Và chúng tôi sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực và cố gắng để xứng đáng với nghề chúng tôi đã chọn, chúng tôi đã tin yêu.
Có một nghề, vượt bao khó khăn gian khổ
Để rèn luyện cho đời, những nguồn lực vô biên
Có một nghề, luôn đào tạo những “Tài, Hiền”
Cho đất nước được bình yên thịnh vượng!
Tác giả: Đoàn Thị Thuyên
TTCM Tổ Văn - Sử - Địa – GDKT&PLBottom of Form